Khối BRICS + tổng lực ‘tấn công’ đồng USD – Giấc mơ viển vông hay trò chơi quyền lực?

Đồng USD cho đến nay vẫn là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất, chiến dịch của BRICS+ nhằm “phế ngôi vua” của đồng bạc xanh đang đến đâu?

Từ 1/1/2024, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Không ngừng mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng, nhóm BRICS nỗ lực “tấn công” vai trò nền kinh tế số 1 của nước Mỹ qua các sáng kiến đầy tham vọng và táo bạo. BRICS đã tuyên bố phát triển một loại tiền tệ mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của thương mại quốc tế vào đồng USD. Kế hoạch này được cho là sẽ đại diện cho một sự thay đổi địa chính trị đáng kể.

Chỉ là một “cuộc chơi”?

Các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin rộng rãi về các nỗ lực phi USD hóa có mục đích trong BRICS, với những tiêu đề như “hoán đổi tiền tệ trong BRICS là nhân tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu” hay “BRICS thúc đẩy hoán đổi tiền tệ với 29 quốc gia trị giá 550 tỷ USD”…

Tuy nhiên, theo phân tích của trang Geopoliticalmonitor.com (Mỹ), những báo cáo như vậy chủ yếu vẫn mang tính suy đoán và những con số gây chú ý như 550 tỷ USD chỉ mới là sự tổng hợp của khối lượng thương mại hiện tại, mà chưa có bất kỳ sự công bố cụ thể nào dưới hình thức cam kết hoặc đề xuất chính thức từ các quốc gia thành viên.

Theo đó, trong phần lớn thời gian của năm 2023, liên minh kinh tế BRICS đã nỗ lực thúc đẩy cho một sự thay đổi toàn cầu. Các quốc gia dẫn đầu nhóm như Trung Quốc, Nga đã tìm cách giảm sự phổ biến của đồng USD trên trường quốc tế, bằng cách tăng cường nắm giữ vàng và đẩy mạnh giao dịch thương mại, đầu tư bằng đồng nội tệ.

Trong khi đó, tác động của đồng bạc xanh đối với mỗi nền kinh tế thành viên BRICS vẫn tồn tại lợi ích khác nhau. Trong đó, hai “anh cả”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt mục tiêu giảm bớt sự thống trị toàn cầu của Mỹ, bằng cách thách thức vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền số 1 thế giới. Nga và Trung Quốc cho biết đã bắt tay loại bỏ đồng bạc xanh trong 90% giao dịch song phương.

Trong khi các nhà lãnh đạo BRICS khác, như Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil, Ali Khamenei của Iran và Cyril Ramaphosa của Nam Phi, ủng hộ lập trường chống lại Mỹ này. Hay Ai Cập, dù vẫn có những mối quan hệ nhất định với Mỹ cũng vẫn tìm cách đề phòng khả năng bị trừng phạt trong tương lai bằng cách đa dạng hóa tiền tệ khỏi đồng bạc xanh.

Nhưng ngược lại, tác động kinh tế của đồng USD đối với Ethiopia rất nhỏ, còn Saudi Arabia và UAE lại đang được hưởng lợi từ vị thế thống trị toàn cầu của USD.

Tuy nhiên, liên minh BRICS đã tuyên bố sẽ còn có nhiều hoạt động phi đô la hóa hơn nữa vào năm 2024. Cụ thể, Iran gần đây đã thảo luận về việc phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Iran là một trong năm quốc gia tham gia vào kế hoạch mở rộng đầu tiên của khối. Cụ thể, nó đã đến cùng với Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Ethiopia. Hơn nữa, nước này gần đây đã ghi nhận công việc của mình cùng với Nga về đồng tiền bản địa BRICS.

Cùng với việc tỏ ra vô cùng thành công trong các sáng kiến phi USD hóa, liên minh BRICS thậm chí còn công bố nhiều hơn các mục tiêu mở rộng vào năm 2024. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani đã tuyên bố khối này tiếp tục cam kết tăng cường chuyển dịch khỏi đồng bạc xanh của Mỹ.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế lần thứ 15 “Nga-Thế giới Hồi giáo: Diễn đàn Kazan 2024” (14-19/5) tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan với hơn 80 nền kinh tế tham dự, ông Bagheri Kani đã đề cập những nỗ lực không ngừng nghỉ về phi USD hóa của Liên minh. Tuyên bố đảm bảo rằng, các quốc gia trong BRICS+ sẽ tiếp tục phát triển các cơ sở cần thiết trên các con đường kinh tế khác nhau, để đảm bảo quá trình chuyển đổi chống lại đồng bạc xanh trôi chảy hơn.

Về BRICS+ và cuộc đối đầu với đồng USD của Mỹ, trong một bài viết trên tạp chí Chính sách đối ngoại mới đây, ông Joe Sullivan, cựu cố vấn đặc biệt của Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng đưa ra ý kiến, “BRICS có khả năng xoá bỏ sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu”.

Theo ông, đồng USD đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các nước BRICS do kế hoạch mở rộng của khối này và nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại giữa các nước thành viên. Theo ước tính, BRICS+ sẽ chiếm gần một nửa GDP toàn cầu vào năm 2040.

Ông Sullivan lưu ý, ba trong số các thành viên ban đầu của khối (Brazil, Trung Quốc và Nga) là những nhà xuất khẩu lớn kim loại quý và đất hiếm. Việc bổ sung Ai Cập, Ethiopia và Saudi Arabia, ba quốc gia nằm quanh kênh đào Suez, tuyến thương mại huyết mạch quan trọng, sẽ mang lại cho khối này ảnh hưởng trên 12% thương mại toàn cầu.

Saudi Arabia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – những nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, sẽ mang lại cho khối này tầm ảnh hưởng lớn hơn trên thị trường hàng hóa.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia sở hữu hơn 100 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ – “mở rộng đòn bẩy kinh tế của BRICS+ trong việc nắm giữ tài chính”, ông Sullivan phân tích.

Trong khi đó, các nước BRICS cũng đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương, thậm chí còn đưa ra tín hiệu về khả năng giới thiệu một loại tiền tệ thương mại chung của khối tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS (tháng 8/2024). Mặc dù một loại tiền tệ như vậy vẫn đang trong quá trình hình thành nhưng ông Sullivan cho rằng, BRICS+ có khả năng “lật đổ” sự thống trị của đồng USD ngay cả khi chưa xuất hiện đồng tiền chung này.

Tuy nhiên, nhìn xu hướng phi USD hóa ở một góc khác, theo nhiều người ủng hộ đồng USD, “quyền lực tối cao” của đồng bạc xanh gần như không bị lay chuyển. Và trên thực tế, dù giá trị của đồng USD chứng kiến những biến động trong năm qua, nhưng nó vẫn mạnh hơn nhiều so với các loại tiền tệ ở các quốc gia mà nó thường xuyên giao dịch.

Ý tưởng phi USD hóa không phải là mới. Nga, Trung Quốc và các nước khác đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả nhất định, vẫn chưa có chuyển động đáng kể rõ ràng nào. Các bước cụ thể nhất được thực hiện, bao gồm việc thiết lập các giao dịch hoán đổi và sử dụng đồng Nhân Dân tệ, Ruble rộng rãi hơn… trong thương mại với các thành viên BRICS bị trừng phạt… nhưng điều này không nên bị nhầm lẫn với bất kỳ động thái toàn cầu nào đang rời xa đồng USD.

Phi USD hóa là chuyện không thực tế?

Trong khi đó, đưa ra nhận xét trước mối bận tâm ngày càng tăng về việc liệu USD có thể sớm bị soán ngôi vị trí đồng tiền thống trị trên thị trường tài chính toàn cầu hay không? nhìn nhận vấn đề ở chiều đối lập hẳn, chuyên gia về hàng hóa Jeffrey Christian, nhà sáng lập CPM Group cho rằng, việc phi USD hóa là một “trò đùa và thực tế không ai bán phá giá đồng bạc xanh”.

Bất chấp việc các thành viên BRICS đang nỗ lực thúc đẩy thương mại phi USD, tuy nhiên, chuyên gia Christian cho rằng, từ bỏ đồng bạc xanh ở trên quy mô lớn là không có cơ sở thực tế.

Các nhà bình luận thị trường đã lên tiếng về nỗ lực phối hợp phi USD hóa trên toàn cầu và cho rằng việc sử dụng đồng USD ngày càng giảm trong thương mại thế giới và với tư cách là tiền tệ dự trữ của các ngân hàng trung ương. Nhưng việc suy giảm không quá mạnh như một số người nghĩ, Christian dẫn chứng dữ liệu thương mại quốc tế. Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, đồng USD vẫn chiếm tới 88% tổng số giao dịch tiền tệ hàng ngày tính đến tháng 4/2022.

Christian lưu ý, các ngân hàng trung ương cũng không bán tháo đồng bạc xanh. Đồng USD cũng chiếm 54% tổng dự trữ ngoại hối trong quý 4/2023, chỉ giảm nhẹ so với mức 54,8% được ghi nhận trong quý 4/2021, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Hiện nay, đã có sự đa dạng hóa trong việc nắm giữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, nhưng việc này không làm mất giá đồng USD và cũng không từ bỏ hoàn toàn đồng bạc xanh”. Việc nắm giữ đồng USD vẫn vượt trội so với các loại ngoại tệ khác. Đồng Euro chỉ chiếm 19% tổng dự trữ của ngân hàng trung ương vào năm 2022, giảm từ mức khoảng 29% vài thập kỷ trước.

Trong khi đó, đồng USD của Mỹ đã tăng giá trị trong thập kỷ qua – dấu hiệu cho thấy nhu cầu về đồng bạc xanh đang tăng lên. Chỉ số USD đã tăng gần 40% kể từ mức đáy năm 2011. “Rõ ràng là nhu cầu mua USD với khối lượng lớn hơn nhiều so với việc họ bán USD”, chuyên gia Christian nói.

Một số nhà kinh tế khác cũng bác bỏ ý kiến cho rằng đồng USD đang thất thế và đang dần bị loại bỏ. Phát biểu tại một hội nghị mới đây, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Chris Wallace khẳng định, mặc dù đồng bạc xanh phải đối mặt với những thách thức, nhưng không có gì phải băn khoăn về vị trí thống trị hiện tại của nó.

“Đồng USD cho đến nay vẫn là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất theo một số thước đo”. Đồng USD chiếm 88% tổng số giao dịch tiền tệ hàng ngày và 54% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *